CHƯƠNG TRÌNH SỐ HÓA CÁC ĐỊA CHỈ ĐỎ, CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ QUY NHƠN
Khi đặt chân đến Quy Nhơn, một trong những dấu ấn mà du khách không thể bỏ qua chính là các di tích lịch sử, đặc biệt là Cảng Quy Nhơn và Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc. Du khách có thể đến đây để cùng ôn về lịch sử, sống lại với tinh thần thượng võ và đoàn kết của cha ông trong công cuộc khởi nghĩa thống nhất đất nước và tạo nên những trang sử vẻ vang cho vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
Cảng Quy Nhơn có điều kiện tự nhiên tốt, được bán đảo Phương Mai che chắn, kín gió, rất thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dở hàng quanh năm. Hiện nay, cảng nằm ở số 02 Phan Chu Trinh, phường Hải Cảng, Thành phố Quy Nhơn.
Cảng Quy Nhơn không những có nhiều nét văn hóa hấp dẫn cần được gìn giữ, phát huy mà hiện nay còn đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế miền Trung. Cảng được người Pháp xây dựng vào năm 1876, đây là một trong những cảng biển lớn nhất của Việt Nam trong thời kì Pháp thuộc. Cảng đã phát huy vai trò đầu mối giao thông của khu vực trong các thời kì lịch sử. Ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày 19 tháng 1 năm 1976, cảng Quy Nhơn chính thức mở đầu thời kì hoạt động cảng phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Hiện nay Cảng Quy Nhơn có 6 bến cảng. Các bến số 1, số 2 và số 3 có độ sâu là 17,5m, dài từ 200-300m; các bến số 4 và 5 có độ sâu là 29,3m và dài 355m; riêng bến số 6 có độ sâu là 25m và dài 500m; luồng vào cảng Quy Nhơn dài 20km và sâu 30m (số liệu cập nhật vào 24/06/2022). Đến bến cảng, đưa mắt dạo quanh, du khách có thể cảm nhận nhịp sống rộn ràng, tấp nập của những người dân làng biển: tàu ra tàu vào, đậu chi chít và san sát nhau trên mặt biển; người mua kẻ bán lao xao, bình dị mà đặc biệt và đẹp đến nao lòng. Phóng tầm nhìn ra xa là đầm Thị Nại – một vùng bao la xanh biếc, thu hút khách du lịch với vẻ đẹp “siêu thực” của mình. Phía sau lưng lại là một khung cảnh đối lập – phố thị sầm uất khoác lên mình vẻ đẹp kiêu sa, tráng lệ của những tòa nhà cao tầng.
Di tích địa điểm chuyển quân tập kết ra Bắc.
Cảng Quy Nhơn sát với tuyến đường hàng hải quốc tế, rất thuận tiện cho tàu biển nước ngoài ra vào nên cảng có trên 10 tuyến đường biển nối với các cảng quốc tế: Manila, Singapore, Hong Kong, Cao Hùng (Đài Loan), Băng Cốc (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản), Vladivostok (Nga)…. Qua đây chúng ta có thể thấy được vai trò to lớn của cảng Quy Nhơn đối với nền kinh tế nước nhà, bởi nó đảm nhận nhiệm vụ chuyên chở hàng hoá cho cả một vùng kinh tế rộng lớn. Theo đó nguồn mạch, nhịp thở của cả một vùng kinh tế có giữ vững, tăng nhanh hoặc chậm đều phụ thuộc vào hệ thống cảng biển.
Cảng Quy Nhơn không chỉ là niềm kiêu hãnh của người dân Quy Nhơn – Bình Định về mặt giao thông và buôn bán tấp nập mà còn có bề dày lịch sử gắn với nhiều sự kiện lớn của dân tộc vào thời kì dựng nước và giữ nước. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 quy định Cảng Quy Nhơn là một trong 3 điểm của miền Nam được chọn là điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Số lượng người ra đi rất lớn, gồm toàn bộ lực lượng vũ trang, phần lớn cán bộ, các đội thanh niên xung phong, một số gia đình cán bộ, một số con em cán bộ và học sinh do gia đình gởi ra miền Bắc học tập. Đến ngày 16 tháng 5 năm 1955, Trung đoàn 803 là đơn vị vũ trang cuối cùng đã rời Quy Nhơn. Đây là cuộc chia tay thiêng liêng, cao cả và hết sức cảm động. Vì thế sự kiện lịch sử 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc trở thành một sự kiện lớn trong lịch sử Việt Nam.
Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, tỉnh Bình Định đã có chủ trương xây dựng di tích Đài kỷ niệm tập kết ra Bắc. Việc chọn địa điểm xây dựng tượng đài và chọn mẫu phác thảo đã được thực hiện một cách thận trọng, thông qua nhiều hội thảo khoa học, cuối cùng địa điểm được chọn để xây dựng là khuôn viên nằm phía trước Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, thuộc khu vực cảng Quy Nhơn, cách mũi Tấn khoảng 300m về phía Tây. Diện tích khu di tích là , phía Bắc giáp đường Nguyễn Huệ, phía Nam giáp đường Xuân Diệu, phía Đông giáp đồn bộ đội biên phòng 324, phía Tây giáp đường Ông Ích Khiêm. Trên khu đất này được xây dựng một bức phù điêu hình con tàu, bên trên có hai bàn tay nắm chắc ngọn cờ, thể hiện tinh thần ý chí “ra đi giữ vững ngọn cờ độc lập” (Lâm Quang Nới) được làm bằng chất liệu đá Granite. Tượng đài dài khoảng 8m, phần phù điêu dài 7,5m, khối biểu tượng cao 9,5m thể hiện hình ảnh mũi tàu vươn ra trên sóng. Riêng khối phù điêu cao 2,5m, điêu khắc cảnh tiễn gia đình đưa cán bộ và chiến sĩ lên đường ra miền Bắc, ánh mắt tha thiết gửi gắm niềm tin vào một ngày đoàn tụ trong độc lập, thống nhất…Phía sau bức phù điêu, có một bia đá nổi bật hàng chữ: “ DI TÍCH ĐỊA ĐIỂM CHUYỂN QUÂN TẬP KẾT RA MIỀN BẮC – Nơi đây là khu vực tập kết 300 ngày đêm (20/7/1954-16/5/1955) của các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị cách mạng toàn liên khu V trước khi chuyển quân ra miền Bắc thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ghi dấu một thắng lợi mới của lịch sử cách mạng Việt Nam”. Xung quanh khu vực tượng đài tráng lệ là hệ thống cây xanh và tiểu cảnh được thiết kế hài hoà, khoa học với các mảng xanh tạo thành điểm nhấn cho công trình.
Tượng đài không chỉ là công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa to lớn, ghi lại dấu ấn sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc, mà công trình này còn là địa chỉ “đỏ” góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, là nơi sinh hoạt truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân tỉnh nhà và du khách thập phương.
Tượng dài kỷ niệm tập kết ra Bắc
Với vị trí địa lí đẹp, thuận lợi cho cả giao thông đường thuỷ lẫn đường bộ cùng những giá trị văn hóa lịch sử. Cảng Quy Nhơn – Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc hiện tại và tương lai sẽ trở thành địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của tỉnh Bình Định. Hơn thế nữa nơi đây sẽ mãi mãi ghi dấu công lao và sự hy sinh to lớn của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; sẽ là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc để con em chúng ta tiếp bước ra sức học tập, lao động sản xuất, xây dựng quê hương Quy Nhơn – Bình Định nói riêng, Tổ quốc Việt Nam nói chung và sẽ phát huy được hào khí dân tộc phát triển ngày càng giàu mạnh,văn minh,tiến bộ sánh vai với bạn bè quốc tế.
Thành phố Quy Nhơn phồn thịnh, một phần nhờ cảng biển Quy Nhơn, nơi đây đã cùng thành phố chung vui, chung chịu biết bao thăng trầm, suy thịnh. Cùng với đó, Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc là nơi giáo dục lý tưởng, tinh thần yêu nước, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Nhằm phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng hào hùng của nhân dân ta nói chung, nhân dân tỉnh Bình Định nói riêng, ngày 24/12/2007 UBND tỉnh quyết định công nhận cảng Quy Nhơn – Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc là di tích cấp tỉnh.