Chào mừng bạn đến với tuổi trẻ Quy Nhơn

Tìm hiểu chi bộ trường Quốc Học Quy Nhơn – Một trong 3 chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bình Định

CHƯƠNG TRÌNH SỐ HÓA CÁC ĐỊA CHỈ ĐỎ, CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ QUY NHƠN

Trường Quốc Học Quy Nhơn thành lập năm 1921, ban đầu trường mang tên Collège de Qui Nhơn là một trong ba trường quốc lập của toàn xứ Trung kỳ (Quốc Học Vinh, Quốc Học Huế, Quốc Học Quy Nhơn). Ngôi trường do Pháp lập ra nhằm đào tạo học sinh ra trường để phục vụ cho chế độ thực dân phong kiến, nhưng phần lớn học trò Collège Qui Nhơn là những trí thức yêu nước, căm ghét thực dân Pháp vì trong bộ phận giáo viên người Việt có tinh thần yêu nước tiến bộ đã truyền cho học trò lòng yêu nước, yêu dân tộc. Ngày 3/2/1930, Đảng CSVN ra đời. Cùng với bước ngoặt lịch sử ấy, tháng 10/1930, chi bộ Đảng trường Collège de Qui Nhơn được thành lập và là một trong ba chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Bình Định. Từ đây, biết bao học sinh đã giác ngộ lí tưởng cộng sản và trở thành những nhà hoạt động cách mạng ưu tú, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng như giáo sư tiến sĩ Lê Văn Thiêm, Lâm Quang Định, Nguyễn Quỳ, Nguyễn Cang, Nguyễn Thới Nhân, Châu Diệu Ái… Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam cũng đã từng học tập ở ngôi trường này: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan, Phan Tứ, Phạm Hổ… Và rất nhiều người đã trở thành những nhà lãnh đạo chính trị, quân sự và cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước: Bác sĩ Y Ngông Niêk Đam, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, đồng chí Nguyễn Minh Vỹ, Nguyễn Trung Tín… Có thể nói, thế hệ học sinh Collège de Qui Nhơn đã mở đầu cho những trang sử vẻ vang đầy tự hào của nhà trường.  

Đồng chí Lê Kim Toàn và các đồng chí trong đoàn dâng hương tại Nhà lưu niệm Chi bộ Trường Quốc học Quy Nhơn

Năm học 1941-1942, trường đổi tên thành Trung học Võ Tánh. Năm học 1945-1946, trường khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, trường phải dời về thôn An Lương, xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ), mấy năm sau lại chuyển về xã Nhơn Phong (An Nhơn) và đổi lại tên là trường Trung học Nguyễn Huệ.

Trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù phải dạy và học trong hoàn cảnh kháng chiến hết sức thiếu thốn, khó khăn song thầy và trò trường Trung học Nguyễn Huệ vẫn quyết tâm vượt qua gian khó, cố gắng giảng dạy, học tập và tham gia các phong trào kháng chiến. Phát huy truyền thống của thế hệ trước, nhiều học sinh của nhà trường đã trở thành những tướng lĩnh, sĩ quan giỏi trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều học sinh ưu tú của trường đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những cán bộ khoa học giỏi của đất nước: giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ; giáo sư, viện sĩ Đặng Hữu và nhiều bộ trưởng, thứ trưởng như Mai Kỷ, Thái Phụng Nê, Trương Thiên… Có người trở thành anh hùng lực lượng vũ trang như liệt sĩ Ngô Lê Tân, anh hùng lao động Trương Đình Long, Nguyễn Giao…. Những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp như Giang Nam, Nguyên Ngọc… Đặc biệt, nhiều nữ sinh trung học Nguyễn Huệ đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ khoa học như Phạm Thị Trân Châu, Phạm Trương Thị Thọ, Nguyễn Thị Thế Trâm… Điều đó khẳng định trường Trung học Nguyễn Huệ đã luôn đào tạo ra một lớp cán bộ vừa có phẩm chất cách mạng vừa có trình độ văn hóa khoa học kỹ thuật đóng góp cho cuộc kháng chiến và sự nghiệp xây dựng đất nước.

Từ 1955-1975, trường tồn tại trong hoàn cảnh chiến tranh chống Mỹ, với tên gọi trường Trung học Cường Để. Học sinh thế hệ Cường Để có nhiều đóng góp tích cực trong các phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên lúc bấy giờ. Năm 1970, chi đoàn Trần Văn Ơn được thành lập và Võ Tấn Lợi, học sinh Cường Để là Bí thư chi đoàn và Võ Tấn Danh (tức đồng chí Vũ Hoàng Hà) là Phó Bí thư chi đoàn và cùng nhiều giáo viên, học sinh trường Cường Để tham gia kháng chiến, góp phần vào cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc. Học sinh Cường Để nổi tiếng học giỏi, say mê với các công trình nghiên cứu khoa học và đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những chức vụ chủ chốt ở Trung ương và địa phương như: Trần Quốc Thuận, Bùi Bá Bổng, Bùi Văn Ga, Vũ Hoàng Hà, Lê Hữu Lộc… Thế hệ học sinh Trung học Cường Để đã viết tiếp trang sử truyền thống và có những cống hiến tiêu biểu cho quê hương, đất nước trong thế kỉ XX.

Trường vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba

Sau ngày miền Nam giải phóng, trường đổi tên thành trường cấp III Quang Trung (sau này là PTTH Quang Trung). Hơn 5 năm xây dựng và phát triển, Quang Trung là trường thực hiện sớm và thành công nhất phương châm giáo dục của Đảng “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội” ở miền Nam. Với thành tích xuất sắc này, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là: “Lá cờ đầu của ngành giáo dục phổ thông trung học các tỉnh phía Nam”. Năm học 1978-1979, trường được nhận cờ luân lưu của Chính phủ tặng“Đơn vị thi đua dẫn đầu ngành giáo dục”. Năm 1982, nhà trường được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Dạy tốt- học tốt” trong nhà trường luôn được quan tâm đẩy mạnh. Nhiều giáo viên đã nêu cao tinh thần tự học, tự rèn và trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trường đã trở thành nơi học tập kinh nghiệm của các trường phổ thông trung học phía Nam. Thế hệ học sinh Quang Trung đã góp phần làm rạng danh cho trường như: Trần Duy Thệ – giải Ba Vật lý quốc tế năm 1982 tại Cộng hòa dân chủ Đức. Nhiều cựu học sinh Quang Trung hiện nay là cán bộ chủ chốt, tiến sĩ, giám đốc, chủ doanh nghiệp thành đạt trên nhiều lĩnh vực như: Ngô Đông Hải, Thái Thuần Quang, Châu Khải Hoàn

Cổng trường Quốc học Quy Nhơn ngày nay

Từ năm học 1991-1992, theo nguyện vọng của các thế hệ học sinh, UBND tỉnh Bình Định quyết định trường lấy lại tên ban đầu: trường Quốc Học Quy Nhơn. Với niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của nhà trường, thầy và trò Quốc Học Quy Nhơn hôm nay luôn phấn đấu, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước.Trong những năm qua, trường luôn có chất lượng dạy và học cao trong tỉnh. Năm 2008, nhà trường được công nhận là trường THPT đạt chuẩn quốc gia; năm 2013 nhà trường được công nhận lại là trường THPT đạt chuẩn quốc gia lần 2. Với những thành tích xuất sắc trên, nhiều năm liền trường được UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và tặng cờ “Đơn vị thi đua dẫn đầu khối THPT”. Năm 1996, trường được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2001, trường lại được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước. Năm 2016, trường Quốc Học Quy Nhơn vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Đây là những phần thưởng cao quý, là niềm tự hào dành cho tất cả các thế hệ thầy và trò trường Quốc Học Quy Nhơn.

Quang cảnh Lễ khai giảng tại trường Quốc Học Quy Nhơn

Bước vào thời kỳ hội nhập, 5 năm cuối của cuộc hành trình trọn vẹn một thế kỷ (2016-2021), trường Quốc Học Quy Nhơn đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhà trường luôn nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; đổi mới nội dung phương pháp dạy và học; tích cực thực hiện các cuộc vận động lớn của ngành GD và ĐT “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đồng thời triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường đạt chuẩn và vượt chuẩn về trình độ đào tạo, có rất nhiều thầy cô đạt GVDG cấp tỉnh, nhiều giáo viên tích cực tham gia viết sáng kiến với chất lượng cao và đạt Chiến sĩ thi đua các cấp. Với một đội ngũ giáo viên trẻ, năng động và sáng tạo, cùng với tinh thần “Tuổi trẻ Quốc Học Quy Nhơn – Thi đua rèn đức, luyện tài vì tương lai tươi sáng”. Hằng năm, học sinh có kết quả xếp loại hạnh kiểm tốt và học lực khá, giỏi đều tăng hơn năm trước; số lượng HSG cấp tỉnh và quốc gia đạt kết quả cao; có nhiều đề tài Khoa học kỹ thuật có tính sáng tạo đạt cấp tỉnh,… Đặc biệt, học sinh Quốc Học Quy Nhơn luôn ở trong TOP 200 trường có điểm thi THPT quốc gia cao nhất nước. Thế hệ học sinh Quốc Học luôn tiến lên những cấp học cao hơn và đã thành tài, thành đạt và thành danh, từng bước khẳng định vị thế của mình trên nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước.

Với những thành tích xuất sắc trên, năm 2018 trường Quốc Học Quy Nhơn tiếp tục được công nhận là trường THPT đạt chuẩn quốc gia lần 3. Năm học 2018-2019 và 2019-2020, nhà trường 2 lần được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh. Đặc biệt năm 2019 và năm 2021, trường Quốc Học Quy Nhơn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ  tặng Cờ thi đua của Chỉnh phủ.

Trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương độc lập Hạng Ba

Trải qua bao nhiêu biến đổi và thăng trầm nhưng với bề dày truyền thống và cả những thành tích của nhà trường, chúng tôi là đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh luôn tin rằng: ngôi trường Quốc Học Quy Nhơn dù trăm năm hay nghìn năm và mãi mãi sẽ luôn là ngôi trường làm rạng danh cho Tỉnh nhà, cho ngành giáo dục. Sự trọn vẹn ấy, có lẽ là sự góp sức của bao thế hệ thầy, cô và học sinh. Để giữ vững nền tảng ấy, cả đội ngũ Ban Giám Hiệu; thầy, cô giáo; cán bộ công nhân viên trường Quốc Học Quy Nhơn sẽ không ngừng phấn đấu, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Quốc học Quy Nhơn vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu khối các trường THPT trong tỉnh năm học 2020-2021

Sự kiện trọng đại đánh dấu trường Quốc Học Quy Nhơn tròn 100 tuổi với khát vọng không bao giờ tắt. Thầy và trò nhà trường đã đang và sẽ luôn hướng mình đến những chân trời mới bằng niềm tin và quyết tâm để Trường Quốc Học Quy Nhơn xứng đáng trở thành một trong những địa chỉ giáo dục tin cậy của tỉnh Bình Định, là điểm sáng của nền giáo dục nước nhà. 

Đoàn trường Quốc Học Quy Nhơn

BÀI VIẾT KHÁC

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới

LƯU TRỮ

CHUYÊN MỤC

Thành đoàn Quy Nhơn: Địa chỉ 30 Nguyễn Huệ, Phường Lê Lợi, Thành phố Quy Nhơn
Chịu trách nhiệm nội dung: Đ/c Nguyễn Lương Hải – Bí thư Thành Đoàn Quy Nhơn

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ THÀNH ĐOÀN QUY NHƠN