Với đặc điểm khí quyển nhiệt đới, Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á phải gánh chịu nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới nhất trong khu vực. Mùa mưa bão thường bắt đầu từ tháng 8, kết thúc vào nửa đầu tháng 12. Hãy trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng khi mùa thiên tai sắp đến.
- Tìm hiểu khu vực bạn đang sống và luôn theo dõi thông tin về cơn bão
Thường xuyên cập nhật tình hình và theo sát mọi chuyển biến của cơn bão là điều quan trọng nhất để xem liệu bạn có đang sống trong khu vực tâm bão đi qua hay không. Hãy tìm xem có những nơi trú bão nào ở gần nhà bạn và đánh dấu tất cả chúng trên bản đồ (hoặc ghi chú lại) để chuẩn bị tâm lý khi buộc phải rời nhà tránh bão. Bên cạnh đó, bạn cũng nên xác định những nơi có khoảng đất cao để kịp chạy đến trong trường hợp nhà bị ngập.
2. Cắt tỉa cây cối quanh nhà và dọn dẹp những vật thể không được gắn cố định bên ngoài nhà
Ngay cả những trận bão cấp một cũng có thể có sức gió lên đến 160km/h, dễ dàng thổi bay bất cứ vật gì không được cố định chắc chắn. Do đó, bạn nên tháo gỡ những thứ có thể bị hất tung để tránh chúng va đập vào nhà, hoặc gây thương tích cho người đi bộ. Nên kiểm tra mái nhà để đảm bảo các vật liệu lợp ngói vẫn còn chắc chắn.
Cây cối mọc quá rậm rạp với diện tích rộng sẽ hứng chịu nhiều gió khi cơn bão kéo đến. Việc cắt tỉa bớt các cành sẽ giúp cây tăng cường sức chống chịu gió của cây và giảm nguy cơ cây bật gốc, hạn chế nguy hiểm cho người và đồ vật xung quanh. Hãy chú ý một chút đến các cửa kính và cửa sổ, kiểm tra độ bền để tránh cửa va đập khi gió bão.
3. Những vật dụng thiết yếu không thể thiếu
Mỗi gia đình nên có đủ những vật dụng quan trọng, bao gồm: hộp sơ cứu y tế, các loại thuốc cơ bản, đèn pin, cục sạc dự phòng, xà phòng, kem đánh răng, bình chữa cháy… Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc mua máy phát điện để dùng trong thời gian có điện sau bão. Để đảm bảo an toàn, máy phát điện phải được bảo quản ở nơi không thấm nước.
4. Tích trữ thực phẩm và nước trong nhà
Mùa mưa bão, việc đi chợ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đồng thời giá cả thực phẩm thường tăng cao sau những đợt thiên tai. Vì vậy, việc tích trữ sẵn một lượng thức ăn dành cho gia đình trong ít nhất một tuần là rất quan trọng. Ngoài ra, để đối phó với việc nguồn cung cấp nước có khả năng sẽ gián đoạn trong thời gian xảy ra bão, bạn hãy chứa nước đầy bồn tắm và nhiều xô lớn để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
5. Để tủ lạnh ở mức lạnh nhất
Duy trì tủ lạnh ở nhiệt độ lạnh nhất sẽ giúp thức ăn được bảo quản lâu hết mức có thể trong trường hợp mất điện. Hạn chế mở tủ lạnh để giữ hơi lạnh bên trong.
6. Trong nhà luôn có tiền mặt
Nếu khu vực bạn ở bị mất điện, các cây rút tiền ATM sẽ không hoạt động, ngân hàng cũng đóng cửa. Bạn cần chuẩn bị cho việc này bằng cách rút tiền mặt (đủ chi tiêu trong ít nhất vài ngày) trước khi bão đến. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên cất những giấy tờ quan trọng trong những chiếc túi không thấm nước.
7. Luôn có sẵn kế hoạch để ứng phó những tình huống khẩn cấp
Dù cách giữ an toàn nhất trong thời gian bão càn quét là ở trong nhà, nhưng bạn cũng cần vạch ra những kế hoạch về một số việc cần làm trong tình huống khẩn cấp. Chẳng hạn như tạo ra nhiều lối thoát để phòng khi lối thoát hiểm ưu tiên không sử dụng được, thống nhất địa điểm gặp lại nếu mọi người lạc nhau, v.v… Tất cả các thành viên trong gia đình phải được tập luyện cách ngắt điện và gas khi có sự cố, đảm bảo người nhỏ tuổi nhất cũng phải biết cách gọi cấp cứu.
8. Tránh uống nước máy cho đến khi được thông báo rằng nước không bị ô nhiễm
Vi khuẩn và lượng lớn rác thải có trong mực nước dâng lên khi bão đến có thể làm ô nhiễm tất cả nguồn nước. Trong thời gian chờ chính quyền kiểm tra hệ thống cấp nước, bạn nên tiếp tục sử dụng nguồn nước được tích trữ trong nhà.
9. Sau bão, vẫn nên thận trọng khi đi lại
Bão tan không có nghĩa là việc đi lại đã an toàn, nhiều nguy hiểm vẫn còn đó do nước ngập, cây cối gãy đổ và dây điện đứt. Trong khi chờ các nhà chức trách tiến hành kiểm tra và dọn dẹp, tốt nhất bạn nên ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi cần mua những thứ thiết yếu.
Thành đoàn Quy Nhơn rất mong bà con hết sức cẩn thận và giữ an toàn trong mùa mưa, bão này!
Nguồn: Những kiến thức cần thiết trong mùa mưa bão – Tạp chí Đẹp (dep.com.vn)
Huỳnh Võ Hùng