CHƯƠNG TRÌNH SỐ HÓA CÁC ĐỊA CHỈ ĐỎ, CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ QUY NHƠN
Lũy cổ Phương Mai thuộc xã đảo bán đảo Phương Mai – cách trung tâm thành phố khoảng 8-10 km về phía Đông Bắc. Cảnh sắc chưa bị khai thác du lịch nhiều và cuộc sống bình dị nơi đây hoàn toàn đủ để chinh phục bất kì ai trót một lần dừng chân. Khi ghé thăm mảnh đất này, du khách còn có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng cảnh núi đá trập trùng, hiểm trở, nơi ghi lại bao chiến công hiển hách của các vị anh hùng qua dấu tích lịch sử: Lũy cổ Phương Mai.
Một đoạn tường Lúy cổ Phương Mai.
Tương truyền rằng Lũy cổ Phương Mai đã có niên đại hàng trăm năm tuổi trên dãy núi Tam Tòa (bán đảo Phương Mai). Do địa thế trọng yếu của cửa Thị Nại là cửa biển quan trọng, có vị trí quân sự đặc biệt trong việc bảo vệ kinh thành, nên các vua Champa cho xây dựng thành lũy phòng thủ vừa ngăn chặn đối phương từ biển Đông vượt qua, vừa trấn giữ và bảo vệ kinh đô Vijaya. Từ đây có thể thấy rằng lũy thành Phương Mai có từ xa xưa, đến thời Tây Sơn, trong Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến chi tiết năm 1800, tướng Võ Văn Dũng dùng ba chiếc thuyền định quốc và hơn trăm chiếc thuyền chặn ngang cửa biển, lại sai đắp đồn lũy ở Phương Mai, một mặt kiểm soát các cuộc tấn công từ phía biển, một mặt có thể khống chế khu vực thành Bình Định. Tuy nhiên, khi đó có thể lũy cổ chỉ là một hệ thống phòng tuyến sơ khai. Trong Nước non Bình Định, Quách Tấn cho rằng lũy cổ phát triển rất mạnh dưới thời nhà Nguyễn, cụ thể là vào năm Minh Mạng thứ 7, thành lũy phòng phủ trên đỉnh núi Tam Tòa mới được xây dựng hoàn thiện. Có thể nói, đồn lũy Phương Mai là một địa danh văn hóa đã chứng kiến bao triều đại hưng vong và các trận đánh qua bao thăng trầm của lịch sử. Đến nay hệ thống lũy cổ này là di tích duy nhất còn sót lại nằm dọc eo biển miền Trung và nằm trong lòng thành phố.
Điểm hấp dẫn của lũy cổ Phương Mai còn đến từ sự bí ẩn. Khi xây lũy, người xưa đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Họ tận dụng các triền núi cao trung bình khoảng 150m so với mực nước biển để lực lượng đồn trú dễ dàng quan sát rõ ràng từ khơi xa đến vùng biển ngay bên dưới. Trước đây thành lũy Phương Mai được xây dựng tại hai nơi riêng biệt là gò Vũng Tàu và gò Kinh Để. Lũy được xây trên gò Kinh Để với độ cao 115m so với mực nước biển. Nó được thiết kế chủ yếu nằm trên đỉnh núi, dài khoảng 100m, điểm đầu nối với pháo đài Hổ Ky, tính từ chân tượng đài Đức Thánh Trần. Còn hệ thống lũy ở gò Vũng Tàu nằm trên độ cao 193m so với mực nước biển, dài khoảng 600m, đây là khu vực thấp của núi Phương Mai.
Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng lũy cổ Phương Mai vẫn mang một nét riêng về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo. Lũy không xây dựng theo đường thẳng và vắt qua đỉnh núi, mà chạy vòng theo triền núi mà được xây dựng theo cấu trúc tựa núi trông ra biển, lấy sườn núi che chở cho lũy, để dễ bố phòng quân sự đồng thời khắc phục được hạn chế của độ dốc cao, mặt bằng hạn chế để tránh bị sạt lở và xói mòn theo thời gian. Từ những di tích còn sót lại, có thể tin rằng Lũy cổ Phương Mai được người xưa xây dựng rất khoa học. Những đoạn lũy được xây dựng theo cấu trúc hình thang, phía chân lũy mở rộng nhằm đảm bảo sự vững chắc cho cả bờ lũy, thân lũy thu nhỏ dần đến mặt lũy. Toàn bộ thân lũy gồm nhiều khối đá đủ kích cỡ được xếp chồng lên nhau, lớp này liền với lớp khác từ chân cho đến đỉnh lũy. Do dấu tích thời gian, hiện nhiều đoạn tường lũy bị hư hại, một số đoạn bị bụi rậm bao phủ, nhưng những đoạn nằm trên đỉnh núi gần như còn nguyên vẹn. Khảo sát thực tế cho thấy, chiều cao trung bình của lũy khoảng 1,5m, chiều rộng ở đáy lũy khoảng 1,9m và chiều rộng của đỉnh lũy khoảng 1,2m. Những số đo này không tuyệt đối giống nhau mà tùy vào địa hình, vị trí có thể xê dịch.
Hiện nay, di tích lịch sử còn một cổng sót lại, cùng một đoạn Lũy cổ Phương Mai ở Hải Minh (thuộc bán đảo Phương Mai). Để đến được xã đảo lãng mạn và tươi đẹp này, du khách sẽ đến cửa Hàm Tử quen thuộc của thành phố Quy Nhơn để mua vé tàu và chỉ mất khoảng 15 phút là cập bến ở phía làng chài. Từ ngôi làng nhỏ thanh bình đến khu vực lũy cổ, ta phải đi men theo những con đường nhỏ hẹp, quanh co, ngoằn ngoèo như mê cung. Qua đoạn nhà dân, tiếp tục leo theo con đường mòn bên sườn núi Tam Tòa dài khoảng 600m, cao 40m so với mực nước biển sẽ đến được chân tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo trong tư thế dũng mãnh. Sau khi tham quan tượng Đức Thánh, vượt qua con đường mòn khúc khuỷu, cách di tích tượng khoảng 300m, là dấu tích lũy cổ xưa với nhiều giá trị lịch sử văn hóa bên trong khu vực hải đăng Phước Mai.
Cổng vào một đoạn cổ lũy Phương Mai.
Đến với di tích này, du khách có thể chiêm ngưỡng sự độc đáo của công trình xưa cũ và tìm hiểu về kỹ thuật xây dựng công phu của cha ông. Trước trường thành là một bia đá do địa phương dựng lên để cung cấp thông tin cho du khách tham quan về di tích lịch sử lũy cổ Phương Mai. Bên cạnh bia đá là cổng thành vẫn còn sót lại hiếm hoi qua thời gian dài chiến tranh, rồi bao tác động của thiên nhiên, con người. Cổng thành kiên cố, được ốp đá chắc chắn, cao và sâu khoảng 3m, rộng tầm 5m. Kế bên trái khi bước qua cổng là một đoạn trường thành chỉ dài tầm 5-6m trong khu vực trạm hải đăng, nhưng lại kéo dài mãi theo hướng Đông – Tây như một con rồng uốn lượn ẩn hiện giữa núi biển.
Đứng từ thành lũy, du khách không thể bỏ lỡ một khung cảnh không thể hoàn mĩ hơn: nhìn xa xa có thể thấy toàn cảnh thành phố Quy Nhơn như một mô hình thu nhỏ đầy náo nhiệt và đảo Cù Lao Xanh trải dài vô tận trong non nước trời xanh. Cảnh sắc nơi đây được ví như một bức tranh sơn thủy, là nơi giao duyên hữu tình giữa: đất – biển – trời.
Nhìn trên bình diện nào, dù là kiến trúc, quân sự, lịch sử hay văn hóa, Lũy cổ Phương Mai đều “phát lộ” ra ánh hào quang của riêng nó. Không chỉ mang nét đẹp oai hùng mà bi thương, hiên ngang mà trầm lặng, việc bố trí phòng thủ tại hai gò Kinh Để và Vũng Tàu chứng tỏ người xưa đánh giá cao tầm quan trọng của bán đảo Phương Mai trong lĩnh vực quân sự: Hai gò đều ở vị trí cao, đứng trên gò có thể quan sát được phía Đông (cửa biển), phía Tây (kinh thành). Lũy cổ còn là một chứng tích lịch sử quan trọng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, một giai đoạn có nhiều biến động từ Vương quốc Chăm Pa, đến triều Tây Sơn và triều Nguyễn và chứng kiến tinh thần dũng cảm bất khuất của những người lính đã chiến đấu hết mình vì tổ quốc.
Cổ lũy Phương Mai – nhìn từ trên cao.
Lũy cổ Phương Mai đang chiếm giữ một vị trí quan trọng với người dân vùng đất Quy Nhơn. Khi đặt chân đến đây, lắng nghe câu chuyện lịch sử gắn với di tích này, có lẽ ai cũng không thể kìm được cảm xúc bồi hồi khi nhớ về cội nguồn dân tộc, nhớ về những trận đánh lịch sử dựng nước và giữ nước. Lũy cổ Phương Mai là địa điểm du lịch lý tưởng, nơi du khách vừa có thể tận hưởng bầu không khí trong lành vừa được tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.
Lũy cổ Phương Mai đã được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích vào ngày 20/7/2010.